Lịch sử hình thành và phát triển của phiên âm Pinyin

Lịch sử hình thành và phát triển của phiên âm Pinyin

Phiên âm Pinyin còn được gọi là Bính âm hay Phanh âm là cách thức sử dụng chữ cái Latinh để thể hiện cách phát âm các chữ Hán trong tiếng phổ thông Trung Quốc. Pinyin được phê chuẩn năm 1958 và được áp dụng năm 1979 tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nó đã thay thế các hệ thống Latinh hóa cũ hơn như Wade-Giles (1859, sửa đổi năm 1912) và Hệ thống phiên âm Bưu điện, và thay thế hệ thống Chú âm trong việc dạy cách đọc chữ Hán tại Trung Quốc đại lục.

phien am pinyin tieng han

Cho tới nay, bính âm Hán ngữ đã được sử dụng như một hệ thống chuyển tự La Tinh chữ Hán trong việc dạy và học tiếng Quan thoại tại Singapore, Malaysia, CHND Trung Hoa, Trung Hoa Dân Quốc ( Đài Loan), Hồng Kông, Ma Cao. Năm 1979, Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) đã chọn bính âm làm hệ thống latinh hóa chuẩn cho Hán ngữ. Pinyin đã trở thành một công cụ hữu dụng trong việc học tiếng Trung Quốc.

Vào cuối thập niên 1990, Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) đã lập ra bính âm thông dụng (通用拼音 tōngyòng pīnyīn) dựa trên bính âm và có một số khác biệt so với phiên âm Hán ngữ. Hệ thống này được sử dụng chính thức tại Đài Loan. Từ ngày 1 tháng 1 năm 2009, bính âm Hán ngữ đã trở thành hệ chuyển tự La Tinh tiếng Trung tiêu chuẩn của Đài Loan.

Phiên âm Pinyin được hình thành và phát triển như thế nào?

Trước hết phải kể từ các thừa sai dòng Tên (Jesuit missionaries) xuất hiện ở Trung Quốc cuối thế kỷ XVI. Họ học thông thạo Hán ngữ tại khu vực hải cảng của Macao với lối phiên âm Latin do chính họ sáng chế. Họ rất được trọng vọng ở triều đình Bắc Kinh. Người Trung Quốc dẫu có đánh giá cao cách phiên âm Latin ấy nhưng cũng khó vận dụng được vì thật sự cách phiên âm này chỉ thích hợp cho người Tây phương học Hán ngữ. Sau đó, các mục sư Tin Lành có nhiều cải tiến hơn trong việc dạy dân chúng vùng duyên hải học Hán ngữ bằng cách phiên âm Latin. Nhưng bản thân người Trung Quốc vẫn chưa nỗ lực cải cách các phương thức phiên âm ấy để biến đổi cái văn tự biểu ý (ideographic characters) truyền thống của họ thành một văn tự biểu âm (phonetic script).

Vài trăm năm sau đó , cuộc cách mạng kỹ nghệ ở Tây phương đã buộc người Trung Quốc nghĩ đến việc hiện đại hóa, một việc mà Nhật Bản đã tự nguyện tiến hành và đã thành công. Cải cách văn tự càng trở nên bức thiết trước những tiện ích như điện tín, máy đánh chữ, máy in hiện đại, cũng như trước nhu cầu giảng dạy khoa học tự nhiên cho học sinh. Trong khi người Trung Quốc lúng túng với văn tự biểu ý của mình thì người Nhật từ lâu đã nghĩ ra cách dùng hệ thống ký âm gọi là Kana (Giả danh 假名: gồm Phiến giả danh [katakana] 片假名 và Bình giả danh [Hiragana] 平假名song hành với Kanji 漢字 (tức là những Hán tự vay mượn của Trung Quốc đọc theo âm Nhật).

Đã từ rất lâu Trung Quốc đã cố gắng hướng về một quốc ngữ với giản hóa tự. Đáng tiếc những nỗ lực ấy đã bị chựng lại vì những người bảo thủ không muốn văn tự tổ tiên truyền lại bị xuyên tạc cải biên cũng như không muốn tiếng Quan Thoại 官話 (Mandarin) trở thành Quốc Ngữ 國語. Trong thời kỳ này, hệ thống Chú Âm Phù Hiệu 注音符號 ra đời, gồm khoảng 40 ký hiệu chế biến từ một số nét Hán tự, nhưng vẫn chỉ là một cách phiên âm bên cạnh Hán tự truyền thống (tức là chữ phồn thể) chứ không thể đứng độc lập được. Phong trào giáo dục đại chúng những năm 1920 đã đề ra 1000 Hán tự cơ bản để dạy người mù chữ. Đó có phải là khởi điểm cho những người mù chữ để họ phát triển thành 5000 Hán tự sau này, hay đó có phải là một thứ Hán ngữ cơ bản bao quát mọi tình huống viết lách thông thường?

Những điều chưa rõ ràng này giúp bạn hiểu hơn về học tiếng trung . Năm 1926 Quốc Ngữ La Mã Tự được khởi thảo và được Bộ Giáo Dục công bố năm 1928. Đặc điểm của Quốc Ngữ La Mã Tự là không dùng những ký hiệu bên ngoài chữ để biểu thị bốn thanh điệu, mà dùng một vài mẫu tự Latin nằm ngay trong chữ. Đây là một hệ thống phiên âm chính xác nhưng khó học khó nhớ vì thế nó cũng dừng lại ở chức năng phiên âm mà thôi chứ không thể tiến xa hơn như là một văn tự riêng biệt.

Vào những năm đầu của thế kỷ 30, tại Liên Xô một thứ Hán ngữ Latin hóa được chế tác cho người Trung Quốc sống ở Liên Xô. Nó được gọi là Latin thoại 拉丁話 và rồi được phổ biến nhanh chóng tại Trung Quốc, đặc biệt là những khu vực do Cộng Sản kiểm soát. Chính quyền Quốc Dân Đảng vẫn tiếp tục giảng dạy Hán ngữ phồn thể. Tiếng Quan Thoại được chuẩn hóa để trở thành Quốc Ngữ đồng thời Latin thoại được chỉnh lý và cải danh thành Pinyin (Bính Âm) năm 1956. Pinyin được sử dụng khắp nơi như trong trường học, chỗ công cộng, v.v… với niềm hy vọng của nhà cầm quyền là nó sẽ trở thành một ngôn ngữ hẳn hoi. Đầu năm 1956, Hội đồng Chính phủ Bắc Kinh đưa ra một danh sách gồm 515 Hán tự giản thể, coi như bước đầu của một phương án giản hóa toàn diện. Chính quyền Đài Loan hết sức khó chịu thứ giản thể tự này và nghiêm cấm các văn hóa phẩm du nhập từ Trung Quốc vào Đài Loan không chỉ vì lý do chính trị mà còn vì e ngại sự phổ biến giản thể tự.

Xét về mặt ngữ học, tiếng Quan Thoại chỉ là một phương ngữ (a regional speech dialect). Cho dù được chấp nhận làm Quốc Ngữ nhưng nó chưa thể giải quyết những khó khăn lâu đời giữa khẩu ngữ hằng ngày với ngôn ngữ văn chương. Từ khoảng thế kỷ XII một số tác phẩm văn học chủ yếu là tiểu thuyết và ca kịch đã được viết bằng một văn phong bình dân giản dị. Giới nho sĩ và quan chức thường khinh miệt (hoặc giả vờ khinh miệt) các sản phẩm ấy vì văn ngôn 文言 mới là ngôn ngữ bắt buộc trong giới sĩ phu và quan trường, một ngôn ngữ mà người bình dân ít học không tài nào hiểu được. Người ta ngờ rằng việc duy trì sự khu biệt giữa khẩu ngữ bình dân (bạch thoại 白話) với văn ngôn dường như là một phương thức để bảo vệ giai cấp (a means of class protection) mặc dầu họ chẳng trưng dẫn được chứng cớ gì.

Mãi đến cuối Đệ Nhất Thế Chiến phong trào cách mạng văn học xảy ra, kêu gọi hãy lấy tiểu thuyết với văn phong bình dân giản dị làm mực thước và khuyến khích sử dụng bạch thoại trong việc viết lách. Về sau những người Cộng Sản hết sức ủng hộ phong trào này và cải danh bạch thoại thành phổ thông thoại 普通話 với giản thể tự簡体字 và dùng song hành với Pinyin.

Như vậy, Pinyin có một quá trình phát triển khá dài, bắt đầu từ Latin thoại – một hệ thống được chế tác và phổ biến ở vùng cực Đông Liên Xô khoảng năm 1930 – rồi khoảng 4 năm sau được chấp nhận ở Trung Quốc với tên Tân văn tự 新文字. Quốc Dân Đảng phớt lờ Pinyin, nhưng Pinyin hết sức phổ biến ở vùng Tây Bắc Trung Quốc do Cộng Sản kiểm soát. Năm 1952 một ủy ban được thành lập để nghiên cứu cải cách văn tự. Đến năm 1958, Pinyin trở thành hệ thống phiên âm chính thức của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa.Chúc các bạn học tốt tiếng Trung. Cám ơn các bạn đã ghé thăm website của chúng tôi

Nguồn: www.chinese.edu.vn
Bản quyền thuộc về: Trung tâm tiếng Trung Chinese
Vui lòng không copy khi chưa được sự đồng ý của tác giả

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *